Quy trình xử lý ra hoa Sầu riêng

CÔNG TY TNHH SX TM DV NÔNG NGHIỆP GOFARMS

sale@gofarms.vn

Ngày đăng: 16/12/2021 - 02:36 PM

    XỬ LÝ RA HOA SẦU RIÊNG 

    Trước khi tiến hành xử lý ra hoa Sầu Riêng, cần lưu ý 1 số yêu cầu sau:

    • Cây phải khỏe, đủ cơi lá, không sâu bệnh hại.
    • Cây đã dọn tỉa cành, chồi lông bên trong thân.
    • pH đất được duy trì ổn định ở mức trên 6.
    • Đúng tiết làm bông (nhiệt độ, độ ẩm,…).

         

    QUY TRÌNH XỬ LÝ RA HOA SẦU RIÊNG 

    Bước 1: Bón Lân Gốc 

    • Thời điểm: Thường bắt đầu vào tiết làm bông (khoảng đầu tháng 11 - 15/12 dương lich) và khi cơi đọt của cây vừa lụa lá.
    • Bón phân: Tiến hành tưới lân gốc, có hàm lượng Lân và Kali vừa đủ để thúc đẩy quá trình ra hoa, khuyến cáo các dòng Lân và Kali nên sử dụng DAP, NPK (6 - 30 - 30), NPK (10 - 28 - 19),... . Trước khi rải hoặc dùng pha tưới cần dọn sạch cỏ rác dưới khu vực tán lá để phân thẩm thấu xuống đất đạt hiệu quả cao.
    • Liều lượng: Tùy vào tuổi cây, sức cây, độ lớn, mức độ xanh tốt của cây mà dùng với liều lượng thích hợp. Sử dụng liều dùng trung bình đối với loại rải liều dùng: 500g - 1.5kg, đối với loại phân bón hoà tan tưới theo hệ thống liều dùng: 50 - 100g/cây. 
    • Cách bón: Tưới hoặc rải phân vào khu vực dưới tán, phạm vi 2/3 tán (tính từ gốc ra ngoài).

    Bước 2: Phun Tạo Mầm Hoa

    • Phun tạo mầm lần 1: Căn cứ vào điều kiện thực tế của lá cây, thông thường là sau thời điểm rải hoặc tưới phân gốc khoảng 5-7 ngày. Phun kích mầm lần 1 với các sản phẩm chứa hàm lượng Lân và Kali cao + thuốc trừ nấm phổ rộng + Vi lượng Combi (phun ướt đều cả cây, dạ cành, những chổ mong muốn ra mắt cua). Tiến hành cắt nước trong 15-20 ngày đến khi cây có dấu hiệu xào (lá mất nước), tưới nhấp 1lần/ ngày trong 2 ngày liên tiếp trong thời gian 5 - 15 phút - lượng nước tưới tương đương 30 - 90 lít/ gốc  (Chỉ tưới đêm khung giờ tốt nhất 18h - 20h hoặc 3h - 5h sáng hôm sau - Dùng hệ thống tưới trùm đọt càng tốt)
    • Phun tạo mầm lần 2: Sau khi nhấp nước 2 lần. Phun tạo mầm lần 2 với phân bón lá hàm lượng Lân cao + Thuốc nấm phổ rộng (loại mát). Quan sát biểu hiện của cây và tình hình thời tiết, nhà vườn nên kiểm tra thường xuyên theo dõi mắt cua, số lượng nhiều hay ít, ra đều cành hay chưa,... Nếu tỉ lệ mắc của <30% tiến hành tạo mầm lần 3 tương tự tạo mầm lần trước đó cách nhau 3 - 5 ngày (Lưu ý bổ sung nước tưới qua hệ phun trùm lá từ 5 - 10 phút để tránh cây kiệt sức). Trường hợp trong quá trình tạo mầm gặp các cơn mưa bất chợt, tiến hành phun Tạo mầm tương tự lần 2 kết hợp tưới trùm đọt bằng hệ thống tưới giúp rửa trôi lượng acid do nước mưa hạn chế hiện tườn đen bông, nấm bệnh tấn công bông (Mầm hoa).

    Bước 3: Kéo Bông, Kéo Đọt
        Khi mắt cua đã sáng và dài 2-3cm, Tiến hành khiển đọt theo mắt cua (khắc phục tình trạng rụng hoa hàng loạt sau khi thụ phấn) thời gian từ khi cây ra mắt cua đến khi xổ nhụy là từ 1,5 - 2 tháng. Trong thời gian này việc tưới nước liên tục (chỉ tưới đêm) để kéo cươi đọt là rất quan trọng, nên tạo những cơn mưa nhân tạo bằng hệ thống tưới béc đọt kéo dài từ 3 đến 5 tiếng/ ngày cho đến khi cơi đọt dài 5 - 10 cm, kết hợp bón phân gốc hàm lượng đạm cao kèm Canxi và Bo giúp việc kéo đọt và nuôi bông trở nên dễ dàng hơn. Lưu ý giai đoạn này có thể kết hợp bón thêm phân hữu cơ đã qua xử lý hoặc các chế phẩm vi sinh có lợi đảm bảo ổn định pH và môi trường rễ từ đó hạn chế mầm bệnh phát triển gây xì mủ, thối rễ,...

    Bước 4: Nuôi Dưỡng Bông

    *Khi hoa đạt 5 - 7cm - trước khi xổ nhuỵ

    Bổ sung NPK với hàm lượng NPK (15 - 15 - 15) hoặc NPK (16 - 16 - 16), Canxi Bo và Vi lượng bằng cách tưới trực tiếp qua bộ rễ của cây, mỗi 7 - 10 ngày 1 lần, giai đoạn này cây cần rât nhiều Canxi và Bo cho hình thành rễ, lá xanh dày, bông mập tròn trước khi xổ nhuỵ. Có thể kết hợp Phun bổ sung qua lá kèm thuốc phòng ngừa rệp sáp, Sâu,...

    *Trước xả nhị 1 - 2 ngày

    Nên dừng hẳn các hoạt động tưới nước, bón phân và phun thuốc để tạo môi trường khô ráo cho quá trình thụ phấn và thu hút côn trùng có lợi nhằm tăng khả năng thụ phấn và đậu quả của Sầu riêng

    Bước 5: Cây xổ nhụy, đậu ngồi bút
    Hạn chế phun các loại thuốc nấm hay thuốc sâu hóa học. Giữ đất ráo không quá ẩm. Tưới nhẹ vào buổi sáng để cung cấp nước cho cây. Không bón hoặc phun phân hóa học ở giai đoạn nhạy cảm này, cho đến sau xổ nhụy 7-10 ngày có thể bón các dòng phân NPK (12 - 12 -17), NPK (13 - 13 -13) kết hợp Canxi, Bo và Vi lượng để định hình trái.

             

    * Lưu ý: Trong giai đoạn ra hoa cần tiến hành tỉa bông cho cây Sầu Riêng. Một cây có thể ra rất nhiều bông và bà con thường nghĩ để bông càng nhiều đậu trái càng nhiều, nên không dám tỉa bỏ. Tuy nhiên, kể cả những cây khỏe lâu năm thì cũng chỉ mang tối đa khoảng 300 trái. Khi chúng ta để quá nhiều bông trên cây, cây sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho bông (bông nhỏ, ốm, thiếu dinh dưỡng và dẫn đến rụng bông). Những ốm yếu, thiếu dinh dưỡng thì hạt phấn sẽ ít, chất lượng hạt phấn kém, cây thụ phấn không đạt, trái dễ bị rụng hoặc nếu đậu thì trái xấu, méo mó. Ngoài ra, khi cây có quá nhiều bông sát nhau, tạo điều kiện cho nấm bệnh, sâu rầy phát triển và tấn công lên bông. Vì Vậy, bà con nên tỉa bông ngay từ đầu và chỉ chừa lại số lượng bông phù hợp ở vị trí thích hợp. Trong giai đoạn bông (trước khi xổ nhụy) sẽ qua 3 lần tỉa bông. Tỉa bông qua 3 bước sau:
    - Bước 1: Tỉa bỏ toàn bộ bông đầu cành.
    - Bước 2: Tỉa thưa các chùm bông trong cành, các chùm bông cách nhau khoảng 15 - 20 cm, ưu tiên chừa lại chùm bông dưới dạ (bụng), tỉa bỏ các chùm bông bên hông.
    - Bước 3: Tỉa bông trong chùm: tỉa bỏ bông ốm, nhỏ, bị sâu bệnh, dị dạng, bông phướn (bông có lá)...

    Xử lý ra hoa Sầu Riêng là vấn đề khá nhảy cảm và phức tạp, tùy thuộc vào thực tế từng cây, từng vườn, điều kiện thời tiết từng khu vực khác nhau mà áp dụng khác nhau.

    Bà con có thể liên hệ trực tiếp Kỹ Sư Lý Minh Kha qua số điện thoại hotline 0876 27 5678 để được chia sẻ và hỗ trợ!

             

    KÍNH CHÚC QUÝ BÀ CON VỤ MÙA BỘI THU!!!

    0
    Zalo
    Hotline