Côn trùng gây hại Sầu Riêng (Phần 2)

CÔNG TY TNHH SX TM DV NÔNG NGHIỆP GOFARMS

sale@gofarms.vn

Ngày đăng: 17/02/2022 - 03:42 PM

    II. CÔN TRÙNG GÂY HẠI TRÊN THÂN SẦU

    Thân cây có bốn chức năng chính, đó là hỗ trợ và giúp nâng cao lá, hoa và quả. Thân cây giữ lá trong ánh sáng và tạo nơi cho cây để giữ hoa và quả của nó. Vận chuyển chất lỏng giữa rễ và chồi cây bên trong xylem và phloem. Khi côn trùng tấn công gây hại thân cây làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chức năng chính của thân => Cây suy yếu, sẽ ra hoa và nuôi trái rất kém, có thể dẫn đến chết cây.

    1. Xén tóc đục thân


             - Đặc điểm gây hại: Sâu đục thân là ấu trùng non của con xén tóc. Xén tóc giai đoạn trưởng thành không có khả năng gậy hại cho cây sầu riêng. Chúng chỉ tấn công sầu riêng trong giai đoạn ấu trùng non. Giai đoạn ấu trùng của xén tóc kéo dài, có thể từ 1 – 3 năm. Những con xén tóc trưởng thành thường đẻ trứng vào các kẽ của thân cây. Khi trứng nở, ấu trùng có thể men theo đường này xâm nhập vào và phá hoại thân cây.

    - Đặc điểm nhận biết: Sâu đục thân tấn công và ẩn nấp bên trong thân cây sầu riêng. Tại những vị trí sâu xâm nhập vào thân cây, sẽ để lại những lỗ nhỏ, xung quanh miệng lỗ có lớp bột màu nâu như mùn cưa (phân sâu đùn ra). Lớp vỏ ngoài của thân cây tại đó đã có sự đổi màu nâu vàng hoặc đen sạm. Dưới gốc cây sẽ thấy một lượng lớn mùn cưa rơi xuống. Cây có biểu hiện như héo hay đột nhiên chậm phát triển. Vị trí xâm nhập và đường đi của sâu trong thân cây tạo điều kiện cho nấm Phytopthora tấn công gây ra bệnh xì mũ thân.

    - Thời điểm xuất hiện: Mùa nắng, thời tiết khô nóng

    - Cách nhận biết: Bà con nên thường xuyên kiểm tra vườn, khi thăm vườn nên quan sát kỹ dưới gốc hoặc các ngách trên thân, cành xem có những đặc điểm nhận biết như trên để nhận biết sự xuất hiện của sâu và mật độ sâu trên cây.

    - Cách phòng trị:

    + Thời điểm phòng trừ: Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phun trừ thích hợp

     + Cách phun: Nếu phát hiện thì dùng dao đục bắt hết sâu, bắt đầu từ vị trí lỗ đục hướng lên trên lần theo đường đục, sau đó quét thuốc trừ sâu vào bằng các thuốc lưu dẫn, xông hơi, diệt cả trứng. Kết hợp phun thuốc sâu toàn vườn (phun kỹ vào thân, cành). Nếu thấy vườn có sâu nhiều thì sau 4-5 ngày xịt lại lần 2. Kiểm tra nếu chỗ sâu đục đã bị xì mũ thì quét thuốc bị xì mũ

    - Các hoạt chất phòng trừ sâu: Cypermethrin, Chloryphos Ethyl, Imidachloprid, Buprofenzin,…

    2. Mọt đục cành


          - Đặc điểm gây hại: Mọt đục cành có kích thước nhỏ màu đen. Mọt đục vào lỗi, cắt đứt dòng vận chuyển nước và chất dinh dưỡng từ dưới lên trên, nên từ vị trí vết đục trở lên sẽ bị khô cành và chết.

    - Đặc điểm nhận biết: Vùng vỏ bị mọt gây hại sẽ có màu đậm hơn vùng còn lại của vỏ cây. vết đục trở lên sẽ bị khô cành và chết. Ngoài ra chúng còn là trung gian dẫn đường cho các loại nấm hại như phytopthora gây ra bệnh xì mũ nghiêm trọng cho cây.

    - Thời điểm xuất hiện: Mùa nắng, thời tiết khô nóng

    - Cách nhận biết: Bà con nên thường xuyên kiểm tra vườn, khi thăm vườn nên quan sát kỹ trên thân, cành xem có những đặc điểm nhận biết như trên để nhận biết sự xuất hiện của mọt và mật độ mọt trên cây.

    - Cách phòng trị:

    + Thời điểm phòng trừ: Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phun trừ thích hợp

      + Cách phun: Nếu cây đã bị mọt tấn công thì trước tiên nên cạo sạch vết bị mọt đục, sau đó quét các dòng thuốc có hoạt chất xông hơi, lưu dẫn và diệt con non. Kết hợp phun thuốc sâu toàn vườn (phun kỹ vào thân, cành). Nếu thấy vườn có mọt nhiều thì sau 4-5 ngày xịt lại lần 2. Kiểm tra nếu chỗ mọt đục đã bị xì mũ thì quét thuốc bị xì mũ

    - Các hoạt chất phòng trừ Sâu: Cypermethrin, Chloryphos Ethyl, Imidachloprid, Buprofenzin,…

    III. CÔN TRÙNG GÂY HẠI TRÊN TRÁI SẦU

              1. Rệp sáp

          - Đặc điểm gây hại: Rệp sáp hút nhựa cây và bài tiết chất dịch giàu chất đường, khiến nấm bồ hóng dễ phát triển và làm trái bị phủ một lớp muội đen. Rệp sáp chủ yếu xuất hiện và gây hại trên trái, bông, ít thấy trên lá. Rệp sáp cái có thân hình dài khoảng 3 mm, bên ngoài phủ một lớp phấn bột trắng. Một con cái có thể đẻ 600 - 800 trứng. Rệp sáp tăng mật số rất nhanh, mỗi năm sinh sản 2 - 3 lần. Rệp sáp ít di chuyển, sống cộng sinh với kiến. Kiến sống bằng cách hút chất dịch do rệp thải ra, sau khi rệp đã hút hết nhựa, kiến sẽ tha rệp đi nơi khác để tiếp tục gây hại. Ngoài ra, rệp sáp cũng là tác nhân gián tiếp mở đường để nấm khuẩn tuyến trùng gây hại rễ sầu riêng.

       

    - Đặc điểm nhận biết: Trên bông, rệp sáp tấn công làm teo tóp cuống bông, bông thiếu hạt phấn, vàng héo, dễ rụng. Trên trái non, chúng làm teo tóp cuống trái, trái bị gai to-nhỏ không đều và dễ rụng. Trên trái lớn, khi rệp sáp tấn công tạo điều kiện cho nấm bồ hóng xuất hiện và gây hại làm trái phát triển kém, bị sượng, vỏ đen, xấu, mất thẩm mỹ trái

    - Thời điểm xuất hiện: Đặc tính sinh trưởng của chúng là sinh trưởng phát triển mạnh mẽ vào mùa khô (thời điểm sầu riêng ra hoa kết trái và rất dễ dàng bị tấn công)

    - Cách nhận biết: Trong giai đoạn bông, trái bà con nên thường xuyên kiểm tra vườn. Những vườn sầu trồng xen tiêu, cà phê, bơ,.., vườn có xuất hiện (kiến đen, kiến cao cẳng,..), vườn có nầm bò hóng xuất hiện thường sẽ xuất hiện rệp sáp.

    - Cách phòng trị:

    + Thời điểm phòng trừ: Trong giai đoạn sau xả nhị thì rệp sáp sẽ phát triển mạnh. Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phun trừ thích hợp

    + Cách phun: Giai đoạn bông và trái non nên sử dụng các thuốc có hoạt chất sinh học để tránh làm ảnh hưởng bông, trái. Nên kết hợp tưới gốc và phun ngừa ít nhất 3 lần khi có rệp xuất hiện, mỗi lần cách nhau 3-5 ngày.

       - Các hoạt chất phòng trừ sâu: Cypermethrin, Imidachloprid, Spirotetramat, Abamectin,…

              2. Sâu đục trái

      - Đặc điểm gây hại: Sâu đục trái thường đẻ trứng gần cuống trái non, sâu non nở ra đầu tiên tấn công vỏ trái sầu riêng. Sau đó, sâu tiếp tục đục vào phía trong trái và tấn công phần thịt trái. Sầu riêng mọc thành chùm ngay phần tiếp giáp giữa trái này với trái kia thường hay bị sâu đục trái tấn công, nếu trái còn non sự có mặt của chúng sẽ làm rụng trái. Những vết đục của sâu đục trái là điều kiện thuận lợi của các loại vi khuẩn và nấm gây bệnh hại tấn công như bệnh thối trái.

    - Cách nhận biết: Trong giai đoạn trái bà con nên thường xuyên kiểm tra vườn. Những quả bị sâu tấn công sẽ có phân đùn của chúng để lại, nhận biết sự xuất hiện của sâu và mật độ trên cây.

    - Cách phòng trị:

    + Thời điểm phòng trừ: Phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối là thời điểm phun trừ thích hợp

    + Cách phun: Phòng trị bằng cách tỉa trái thưa để hạn chế sâu tấn công. Phun luân phiên hoặc kết hợp các loại thuốc trừ sâu trực tiếp lên trái sầu. Cách ly thuốc trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày để an toàn cho người sử dụng.

    - Các hoạt chất phòng trừ sâu: Cypermethrin, Imidachloprid, Buprofenzin, Abamectin,…

     

     

    0
    Zalo
    Hotline