I. CỎ DẠI LÀ GÌ?
Trong canh tác nông nghiệp nói chung và canh tác cây ăn trái nói riêng, bà con nông dân thường coi “cỏ dại” là loài thực vật cản trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì thế, bà con thường tìm mọi các tiêu diệt tận gốc loài thực vật này.
Vậy “cỏ dại” có thực sự gây hại đáng sợ như mọi người thường nghĩ?
Trước hết, chúng ta cần biết được “Khái niệm về cỏ dại”
Cỏ dại là những loài cây mọc ở những nơi mà con người không mong muốn. Là các loài thực vật mọc không đúng chỗ gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích con người. Do đó, tùy vào điều kiện không gian và thời gian, mối quan tâm cụ thể của con người mà xếp nó vào loại cỏ dại hay không.
Thực ra Cỏ dại là một phần trong hệ sinh thái tự nhiên và nó đấu tranh để duy trì sự cân bằng. Trong canh tác theo hướng hữu cơ, bà con cần hiểu rõ những bất lợi của cỏ dại và những lợi thế của cỏ dại để có thể quản lý và vận hành hệ sinh thái vườn theo ý muốn. Cỏ dại có thể coi như là vật chủ cho các sinh vật có lợi trong đất. Ngoài ra, bà con có thể xem cỏ dại như một công cụ có giá trị trong việc ngăn chặn và kiểm soát sự lan truyền của sâu bệnh hại. Như trong canh tác cây ăn trái, chúng ta thường bắt gặp trong vườn tồn tại một số loại cỏ dại dưới tán cây. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem lợi ích của cỏ dại trong vườn mang lại?
II. LỢI ÍCH CỦA CỎ DẠI:
- Cỏ dại lấy đi dưỡng chất từ đất, nhưng các dinh dưỡng này có thể quay lại đất khi sử dụng chúng làm vật che phủ gốc hoặc ủ phân xanh hoặc khi chúng chết đi sẽ trả lại cho đất một lượng hữu cơ nhất định.
- Cỏ giúp giữ độ ẩm cho đất, cân bằng hệ vsv trong đất, tạo môi trường để vsv tồn tại và phát triển. Đất ẩm, điều kiện thuận lợi cho sự sống của giun dế và vô số loài côn trùng động vật khác, giun đất là một cổ máy cày xới trong lòng đất giúp đất thông thoáng, khi chết đi nó để lại một lượng dinh dưỡng lớn cho đất.
- Mùa mưa, cỏ giúp chống xói mòn và hạn chế rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất, đặc biệt là đất dốc đất đồi. Mùa nắng, cỏ giữ ẩm độ và cân bằng nhiệt cho tầng đất mặt, giúp cây trồng không bị sốc nhiệt khi có sự chênh lệch nhiệt độ lớn.
- Khi cỏ lên cao và cắt đi, phần thân trả lại cho đất 1 lượng hữu cơ nhất định. Sau khi cắt phần gốc và rễ khô lại, giúp oxi vào được trong đất tạo sự thông thoáng trong đất.
- Một số loại cỏ dại còn giúp tổng hợp được các dưỡng chất trong đất và cung cấp ngược lại cho cây trồng. VD: Các loại cỏ họ Đậu giúp tổng hợp đạm trong đất,…
- Hệ sinh thái cỏ dại còn giúp phân tán các sâu bệnh hại trong đất, đặc biệt là tuyến trùng trong đất. Khiến sâu bệnh hại không tập trung vào cây trồng.
- Cỏ dại là thước đo sinh học giúp đánh giá độ phì nhiêu và cấu trúc của đất. Sự có mặt của các loại cỏ khác nhau cho biết mức độ tơi xốp, thành phần dinh dưỡng, độ mặn, độ chua của đất,… Vì phần lớn cỏ dại là thực vật Thân Thảo nên quá trình trao đổi chất xảy ra rất nhanh, khi có bất kỳ bất thường nào về đất hay nước tưới, các loại cỏ dại sẽ thể hiện nhanh và rõ nhất. Bà con có thể để ý để xử lý kịp thời.
- Cân bằng được hệ sinh thái cỏ dại và cây trồng giúp cây trồng tăng năng suất cũng như chất lượng nông sản, kéo dài tuổi thọ cây trồng, bảo vệ môi trường đất, nâng cao khả năng canh tác, tiết kiệm chi phí cho thuốc diệt cỏ và thuốc BVTV.
- Ngoài ra, bà con có thể tận dụng cỏ dại làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Một số loại cỏ dại còn là vị thuốc quý trong dân gian.
⇒ Cỏ dại là một phần không thể thiếu - 1 mắc xích quan trọng trong hệ sinh thái. Đừng cố chấp diệt sạch cỏ dại vì những tác hại không đáng kể!!! Chỉ cần ta biết cách chọn lọc, quản lý và tận dụng phù hợp thì cỏ dại hoàn toàn có thể trở thành người bạn thân thiết cho vườn cây của bà con.
III. MỘT SỐ LOẠI CỎ DẠI CÓ ÍCH TRONG VƯỜN CÂY
1. Cỏ bản địa:
Bà con nên ưu tiên giữ các loại cỏ bản địa của vườn. Mỗi vùng, mỗi loại đất sẽ phù hợp với cây trồng khác nhau, cỏ dại cũng vậy. VD: Các loại cỏ lá dài, thân, rễ ngầm và cứng như: cỏ tranh, cỏ chỉ, cỏ gà,…sẽ chỉ mọc ở những vùng đất ít tơi xốp và nghèo dinh dưỡng. Còn các loại cỏ lá tròn chủ yếu sẽ mọc tại các vùng đất ẩm và độ xốp cao, giàu dinh dưỡng.
Các loại cỏ bản địa này sẽ sinh trưởng và phát triển phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng nên bà con nên ưu tiên giữ những loại cỏ bản địa này. Bên cạnh đó, bà con nên xây dựng hệ sinh thái vườn đa dạng bằng các trông thêm các loại cây cỏ họ đậu, cây cỏ họ cúc, xuyến chi, cỏ ba lá, cỏ trai,… Các loại cỏ này giúp giữ ẩm, chống xói mòn, làm tơi xốp đất, phát triển hệ sinh vật đất. Ngoài ra còn tăng cường lượng lớn sinh khối hữu cơ, cố định đạm, thu hút thiên địch và xua đuổi côn trùng gây hại.
2. Cỏ họ Đậu: (Cỏ Đậu, Đậu xanh, Đậu đen, Lạc dại, Muồng vàng,…)
Các loại cỏ họ Đậu giúp tổng hợp và cố định đạm (Nito) trong đất bằng cách cộng sinh với các vi khuẩn nốt sần trong rễ, giúp bổ sung lượng đạm tự nhiên trong cây trồng. Ngoài ra do lượng sinh khối cao nên cho nguồn dinh dưỡng tự nhiên rất cao khi chết đi.
Đặc biệt Cỏ Đậu có sức sống tốt lại trồng được quanh năm. Cỏ Đậu mọc sát đất và mật độ cao nên độ che phủ và giữ ẩm rất tốt. Ngoài ra, Cỏ Đậu còn là vật chủ của rệp sáp, giúp chia sẻ áp lực cho cây trồng.
3. Cỏ họ Cúc: (Hướng dương, Bồ công anh, Đại bi, Cứt Lợn, Sao nhái…)
Các loại Cỏ họ Cúc có tác dụng che phủ và cải tạo độ thông thoáng của đất, bổ sung lượng sinh khối cho đất. Các loại Cỏ họ Cúc thường có mùi hôi nên có tác dụng xua đuổi côn trùng và hạn chế tuyến trùng.
4. Cỏ rau trai:
Cỏ rau trai là một loại cỏ thường gặp tại các vườn cây ăn trái, có tốc độ phát triển nhanh và độ che phủ tốt nên khả năng giữ ẩm rất tốt. Ngoài ra Cỏ rau trai còn là cây dược liệu và làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm.
5. Cỏ Xuyến chi (cỏ đơn buốt, cỏ đơn kim, cúc vệ đường,…)
Cỏ Xuyến chi cũng là một loại cỏ phổ biến tại nhiều vùng miền trên nước ta, đặc biệt là các vùng đất hoang và ven đường. Cũng như các loại cỏ khác, cỏ Xuyến chi giúp giữ độ ẩm đất, giúp đất tơi xốp, hạn chế xói mòn, hạn chế tuyến trùng rễ. Trong thời gian ra hoa, cỏ Xuyến chi giúp thu hút ong bướm và các loài thiên địch giúp xua đuổi các loài côn trùng có hại.
Ngoài ra, khi được cắt tỉa thường xuyên cỏ Xuyến chi còn là nguồn bổ sung hữu cơ tự nhiên cho đất rất cao do thân cỏ Xuyến chi có chứa lượng sinh khối lớn và giàu dinh dưỡng. Cỏ Xuyến chi còn là một vị thuốc trong Đông y và có thể chế biến thành món ăn bổ dưỡng.
6. Cỏ Lào (cỏ cộng sản, cỏ tàu bay, cỏ hôi, cỏ bớp,…)
Cỏ Lào cũng là một loại cỏ phổ biến tại nhiều nơi trên nước ta. Cỏ Lào giúp chống xói mòn tại các vùng đất có độ dốc cao, giúp che phủ và làm tơi xốp đất. Toàn thân cỏ Lào mềm, dễ phân huỷ và chứa lượng sinh khối hữu cơ cao nên được xem là cây phân xanh lý tưởng.
Cỏ Lào còn là một loại thuốc BVTV sinh học có tác dụng phòng trừ và xua đuổi nhiều loại nấm và sâu bệnh hại. Theo kinh nghiệm của bà con trồng khoai và lạc thì bà con thường vùi cỏ Lào cùng phân xanh giúp ngăn ngừa các loại sâu và sùng hại củ.
Ngoài ra, cỏ Lào cũng là một vị thuốc Đông y có tác dụng cầm máu, giảm viêm sưng và điều trị tiêu chảy.
*Ngoài các loại cỏ kể trên thì còn rất nhiều các loại cỏ thích hợp để giữ lại trong vườn như: Sài đất, Linh lăng, Cỏ voi, Sâm đất, Bồ ngót nhật, Rau má,…
IV. QUẢN LÝ CỎ ĐÚNG CÁCH
Giữ cỏ trong vườn mang đến nhiều lợi ích như vậy, vậy thì bà con cần lưu ý các điểm sau để duy trì hệ sinh thái của vườn đúng cách:
Không sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt các loại cỏ dại không mong muốn, chỉ nhổ bỏ và trồng xen các loại cây cỏ khác để cạnh tranh thay thế, sau một thời gian những loại cỏ đó sẽ tự động mất đi
Đối với các vườn cây mới trồng, không để cỏ sát gốc nên dùng các vật liệu hữu cơ che phủ.
Chỉ cắt cỏ khi chúng mọc quá cao, không cắt khi mùa nắng hạn, chỉ cần cắt từ 2-3 lần trong mùa mưa. Để hạn chế công cắt cỏ có thể trồng các loại cỏ mọc sát mặt đất như lạc dại, rau trai.,..
Không đánh bật gốc hay cắt sát mặt đất, cắt cỏ cách mặt đất từ 10 -15cm để cỏ nhanh sinh khối trở lại. Đối với các loại cây cỏ có hoa chỉ cắt khi hoa tàn, hạt đã đổ xuống.
Khi cắt xong, không vứt bỏ mà phủ ngay xuống mặt đất trồng để che phủ và bổ sung sinh khối hữu cơ cho đất.
Sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh như Phân bón hữu cơ GoFerti cũng là một cách để bảo vệ hệ sinh thái vườn một cách hiệu quả.