Ông Trần Thanh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thùy Là một trong những công ty xuất khẩu lớn nhất về sầu riêng tại khu vực ĐBSCL nhận định về câu chuyện sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc: "Chất lượng sầu riêng vẫn luôn là điều kiện tiên quyết để tham gia vào thị trường xuất khẩu"
Đây là một bước đánh dấu quan trọng cho sự phát triển ngành hàng sầu riêng của Việt Nam ra thị trường thế giới trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước cung cấp sầu riêng cho thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia… với sầu riêng Việt Nam ngày càng gay gắt, để tận dụng tốt cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, nhà vườn và doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn còn nhiều việc phải làm
Sự kiện 100 tấn sầu riêng lên đường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vào ngày 17-9 theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của ngành hàng sầu riêng Việt Nam. Những trái sầu riêng đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là bước đệm quan trọng cho sự phát triển ngành hàng sầu riêng của Việt Nam ra thị trường thế giới, bởi lẽ Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trong hiện tại và đang có xu hướng tăng.
Theo Đề án Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch diện tích sầu riêng cả nước từ 65.000 ha đến 75.000 ha, thế nhưng đến nay con số này đã tăng lên trên 80.000 ha. Số liệu của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến nay, Việt Nam đã có 246 mã số vùng trồng sầu riêng và 97 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.
Là một trong những công ty xuất khẩu lớn nhất về sầu riêng tại khu vực ĐBSCL, công ty TNHH Tâm Thùy (Tiền Giang) hiện đã liên kết được 9 mã vùng trồng với 20.000 héc ta. Ngoài ra, công ty hiện sở hữu một mã đóng gói VN-TVPH-751. Bên cạnh đó có 4 kho cấp đông có diện tích là 2.000m2, trên 200 công nhân đóng gói. Tổng lượng đông lạnh là 1.200 tấn cơm múi, công suất đóng gói một ngày 8-10 công mỗi ngày. Theo ông Trần Thanh Tâm - Giám đốc Công ty Tâm Thùy cho biết, Trung Quốc là thị trường lớn có năng lực tiêu thụ mạnh. Ngoài việc người tiêu dùng ăn sầu riêng tươi, còn có nhiều nhãn hiệu bánh bao nổi tiếng dùng sầu riêng làm nhân bánh. Bánh bao vị sầu riêng bán rất đắt hàng. Sầu riêng còn được sử dụng để sản xuất đồ uống, bánh kẹo và đưa vào nhiều món ăn khác nhau. Hơn nữa, canh tác sầu riêng vốn không dễ, tuy bất kì mảnh đất nào cũng có thể trồng sầu riêng, có thể xử lý ra hoa, nhưng để tạo nên năng suất và chất lượng trái sầu riêng theo đơn đặt hàng là điều không dễ dàng
Sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái sầu riêng, nông dân trồng sầu riêng có thêm nhiều cơ hội phát triển thế mạnh của loại cây trồng này. Tuy nhiên, mặc dù là thị trường quen thuộc với các loại nông sản của Việt Nam, nhưng phía nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng có nhiều yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định.
“Sầu riêng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để cạnh tranh, nhất là vận chuyển gần, hàng hoá tươi ngon, chi phí thấp, được trồng quanh năm. Trong khi đó Thái Lan, Malaysia thì trồng theo mùa vụ. Trước đây, Thái Lan phải thu mua sầu riêng từ Việt Nam rồi mới xuất sang Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc nhập 4 - 5 tỷ USD trái sầu riêng mỗi năm, trước mắt sầu riêng Việt Nam kỳ vọng chiếm lĩnh khoảng hơn 1 tỷ USD trong thị phần này. Vấn đề là phải duy trì ổn định vùng trồng, có kế hoạch phát triển bài bản, khoa học để quản lý sản lượng, chất lượng cho sầu riêng Việt” - Ông Tâm nói thêm
Mặc dù diện tích sầu riêng lớn, nhưng diện tích đủ tiêu chuẩn chất lượng và pháp lý phục vụ cho xuất khẩu còn rất nhỏ. Nếu các vùng nguyên liệu muốn đáp ứng xuất khẩu, bắt buộc phải hoàn tất các thủ tục pháp lý này, nếu không sẽ trở thành những vườn sầu riêng có nguồn cung lớn mà giá rẻ khi không bán được cho khách hàng nước ngoài. Hiện Trung Quốc mới chỉ đặt hàng 1,3 triệu tấn sầu riêng tươi/năm, tương ứng với vùng nguyên liệu được cấp mã số. Do đó, những hộ nông dân chưa đủ cơ sở pháp lý mà tự ý mở rộng vùng trồng, sẽ khó tiêu thụ được với giá cả mong muốn.
Thêm vào đó, việc Trung Quốc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Những vườn trồng mới mà lại có mã vùng trùng và có sầu riêng xuất khẩu ngay là một điều đáng ngại trong mối quan hệ hợp tác giao thương. Với cơ hội xuất khẩu tuyệt vời dành cho trái sầu riêng này, chắn chắn nhiều nông dân sẽ mong muốn tham gia sản xuất. Thế nhưng, chất lượng trái sầu riêng vẫn luôn là điều kiện tiên quyết để tham gia vào thị trường xuất khẩu
Nguồn: Tạp chí điện tử Doanh nghiệp hội nhập