Tắc nghẽn lịch sử tại của khẩu Lạng Sơn

CÔNG TY TNHH SX TM DV NÔNG NGHIỆP GOFARMS

sale@gofarms.vn

Ngày đăng: 16/12/2021 - 03:48 PM

    Theo thông báo từ Sở Công Thương Lạng Sơn, tính tới sáng 14/12, có khoảng 4.100 xe container đang nằm chờ ở 3 cửa khẩu chính, Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma. Đây là đợt ùn ứ hàng hóa lớn nhất từ trước tới nay tại Lạng Sơn.

    Trong đó, tại cửa khẩu Tân Thanh có tình trạng ùn ứ nặng nhất, với khoảng 2.294 xe, tiếp đến là cửa khẩu Hữu Nghị với 1.078 xe và cửa khẩu Chi Ma với 728 xe.

    Không chỉ ùn ứ trong các bãi xe, bãi tạm mà dọc tuyến Quốc lộ 1A trước các cửa khẩu cũng có tình trạng các xe container nối đuôi nhau hàng km để chờ được vào bến, chờ làm thủ tục thông quan.

    Theo Sở Công thuơng Lạng Sơn, các mặt hàng chủ yếu tại Cửa khẩu Tân Thanh là Dưa hấu (tỉnh Quảng Ngãi), Thanh long (tỉnh Bình Thuận), Chuối xanh (tỉnh Tiền Giang), Mít (tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang), Xoài (tỉnh Bình Định).

    Trong khi đó, mặt hàng tồn chủ yếu tại Cửa khẩu Hữu Nghị là Mít, Thanh long, Ván bóc, Linh kiện điện tử,… còn ở khu vực Cửa khẩu chính Chi Ma là Tinh bột sắn (chiếm đến 70%), Chè khô, Hạt vừng, Hạt sen, Hạt bo bo, Sa nhân, Cây cút mây, Cau khô, Nhựa thông, Phế liệu kén tằm,…

    Nguyên nhân tập trung số lượng lớn xe chở nông sản từ các địa phương phía Nam đang đổ về Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc là do: đang vào mùa thu hoạch của nông sản chính tại Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ hàng hoá cho Tết Nguyên đán của Trung Quốc đang tăng cao. Một nguyên nhân khách quan khác là do Trung Quốc đang tăng cường chống dịch COVID-19. 

    Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-12, ông Đinh Kỳ Giang - phó giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn - cho biết hiện tổng số xe hàng xuất khẩu tồn trên địa bàn Lạng Sơn tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là hơn 4.300 xe, tăng 1.000 xe so với cách đây một tuần. Hàng chủ yếu là nông sản gồm: Dưa hấu, Chuối xanh, Mít, Xoài chở từ miền Trung và miền Nam ra.

    Còn theo ông Vi Công Tường - phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, năng lực thông quan xuất khẩu vẫn đáp ứng nhưng lượng xe hàng xuất sang rất chậm, chỉ 300 xe/ngày, bằng 40% mức bình thường khi chưa có dịch. Nguyên nhân do phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

    "Lượng hàng chờ xuất không chỉ tồn ở phía cửa khẩu Việt Nam mà cả bên phía Trung Quốc. Sau khi làm các thủ tục thông quan, sang phía Trung Quốc, lái xe bị cách ly ở một khu vực gần cửa khẩu, còn hàng được lái xe phía bạn chở đi giao. Do đó, thời gian giao hàng lâu hơn" - ông Tường nói.

    Hiện nay, theo phản ánh của các lái xe container đường dài, trung bình mỗi chuyến phải mất từ 15-20 ngày mới có thể đưa được hàng sang biên giới, thậm chí lâu hơn. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí của lái xe, chủ xe và chủ hàng dẫn đến giá nông sản cũng bị tác động.

    "Trước đây, mỗi chuyến chở nông sản từ Bình Định ra đến Lạng Sơn rồi quay về chỉ vào khoảng 12 ngày, nhưng bây giờ thì 20 ngày vẫn còn ở bãi xe", tài xế Hồ Văn Trí quê Bình Định cho biết.

    Thế nhưng, do sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng hàng hóa, lái thương có nguy cơ mất trắng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến bà con nông dân và cần được các cấp ban ngành quan tâm hỗ trợ kịp thời, đưa ra các giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng hiện tại.

     

    0
    Zalo
    Hotline