GoFarms làm việc với các nhà khoa học về giải pháp kiểm soát môi trường nuôi chim Yến tại Bình Thuận

CÔNG TY TNHH SX TM DV NÔNG NGHIỆP GOFARMS

sale@gofarms.vn

Ngày đăng: 16/10/2021 - 09:43 AM

    Sáng ngày 04/12/2020, trường Đại học Phan Thiết phối hợp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Thiết bị, giải pháp quan trắc và kiểm soát môi trường nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận: thực trạng cung – cầu công nghệ và định hướng”.

     

    Hội thảo là một trong những nội dung thuộc nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ “Tìm hiểu thị trường thiết bị, giải pháp quan trắc và kiểm soát môi trường sử dụng trong nuôi chim yến và mô hình hóa quy trình nuôi chim yến ứng dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với tỉnh Bình Thuận”.

    Hội thảo có sự tham dự của Ban Giám hiệu nhà trường, đoàn chuyên gia Viện VKIST, đại diện các đơn vị: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận, Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Bình Thuận, Chi cục Bảo vệ Môi trường Bình Thuận, Hiệp hội Yến sào Việt Nam, Chi hội Yến sào Bình Thuận và các doanh nghiệp, các chủ cơ sở chăn nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, Hội thảo cũng có 05 gian hàng công nghệ, thiết bị, sản phẩm của 05 doanh nghiệp trong nước giới thiệu các trang thiết bị, máy móc, dụng cụ trong nhà yến và một số sản phẩm thương phẩm khác gồm: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Covinest, Công ty cổ phần Dũng Cát Yến, Công ty cổ phần Xuất Nhập khẩu Vùng Đất Yến, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Gofarms, Công ty TNHH Phát triển và Công nghệ PAL Group Việt Nam.

    Mở đầu chương trình Hội thảo, GS.TS.NGƯT. Võ Khắc Thường – Chủ tịch Hội đồng Trường – Hiệu trưởng trường Đại học Phan Thiết đã có đôi lời phát biểu. GS.TS. Võ Khắc Thường cho rằng, ở nước ta, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại hiện là một trong số những ngành nghề phát triển mạnh mẽ, được thực hiện bởi nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Với lợi thế về tự nhiên, vị trí địa lý, điều kiện thời tiết, tiềm năng và triển vọng của nghề nuôi chim yến là rất lớn. Chính vì vậy, chương trình hội thảo lần này là cơ hội để mọi người có thể tiếp cận và tìm hiểu rõ hơn về các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, nghiên cứu các công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, phát triển ngành nghề của tỉnh Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung. 

    PGS.TS.NGƯT. Võ Khắc Thường – Chủ tịch Hội đồng Trường – Hiệu trưởng trường Đại học Phan Thiết phát biểu khai mạc Hội thảo

    Dưới sự chủ trì của TS. Trần Tình – Trưởng phòng Quản lý Khoa học & Hợp tác Quốc tế – trường Đại học Phan Thiết, hội thảo được diễn ra với 05 phần trình bày tham luận của các báo cáo viên về tình hình nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận, các vấn đề liên quan đến công nghệ ứng dụng trong nhà nuôi chim yến, ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things) trong quản lý thiết bị nhà yến, thực trạng công nghệ thiết bị đang được sử dụng, các giải pháp nhằm phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại tỉnh Bình Thuận.

    TS. Trần Tình – Trưởng phòng Quản lý Khoa học & Hợp tác Quốc tế trường Đại học Phan Thiết – Chủ trì buổi Hội thảo

    TS. Nguyễn Duy Tài – Trưởng phòng nghiên cứu CNTT Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) trình bày tham luận tại Hội thảo

    Ông Nguyễn Trọng Hiệp – Trưởng Phòng Chăn nuôi Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Bình Thuận trình bày tham luận tại Hội thảo

    Ông Nguyễn Minh Thắng – Nghiên cứu viên Trí tuệ Nhân tạo, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) trình bày tham luận tại Hội thảo

    Ông Trần Quốc Dũng – Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Yến sào Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

    Ông Đỗ Nguyễn Thy Linh – Chi hội trưởng Chi hội Yến sào Bình Thuận trình bày tham luận tại Hội thảo

    Với sự hiện diện đầy đủ của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nuôi yến, Hội thảo là cơ hội rất tốt để các cơ sở nuôi chim yến tiếp cận những công nghệ mới, trao đổi, trình bày những vướng mắc, những bất cập đang gặp phải trong quá trình nuôi để được giải đáp, chia sẻ và thảo luận tìm giải pháp.

    Hội thảo lần này cũng đánh dấu những hoạt động nghiên cứu khoa học đầu tiên của đội ngũ giảng viên ngành Công nghệ Sinh học, một ngành mới trong tổng số 17 chuyên ngành hiện tại của trường Đại học Phan Thiết. Mặc dù ngành Công nghệ Sinh học còn non trẻ nhưng Hội đồng Trường cũng như Ban Giám hiệu rất quan tâm đầu tư đến đội ngũ giảng viên cũng như cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Tất cả vì sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho tỉnh Bình Thuận, cho khu vực và cho cả nước của trường Đại học Phan Thiết.

    Đây cũng là lần kết hợp thứ 2 giữa Trường Đại học Phan Thiết và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc. Điều đó giúp khẳng định Nhà trường là đơn vị đối tác uy tín, nghiêm túc trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

    Một số hình ảnh tại Hội thảo:

    0
    Zalo
    Hotline