Sầu Riêng và những điều cần biết

CÔNG TY TNHH SX TM DV NÔNG NGHIỆP GOFARMS

sale@gofarms.vn

Ngày đăng: 29/11/2021 - 10:28 AM

     

    Sầu riêng là cây ăn trái đặc sản của vùng nhiệt đới, có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á và được nhân giống trồng ở nhiều nơi như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Myanma, Philipine, Campuchia, Lào, ngoài ra còn trồng ở Ấn Độ, Srilanca, Brunay. 

    Ở Việt Nam, Sầu riêng được trồng tập trung ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, Tây nguyên và một số tỉnh ven biển miền Trung. Theo thống kê cùa Cục Trồng Trọt (2018), diện tích trồng sầu riêng của cả nước đạt gần 50.000ha, tăng gần gấp đôi so với ba năm trước. Do có hiệu quả kinh tế cao, diện tích trồng sầu riêng đã mở rộng rất nhanh trong hơn 5 năm qua. Từ là cây đặc sản, nay sầu riêng đã trở thành cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nhà vườn và phát triển kinh tế địa phương.

    Giá trị dinh dưỡng

    Theo Tổ chức Lương nông Quốc tế (FAO), trong 100g phần ăn được của sầu riêng, có chứa các chất sau: Nước 66,8g, Protein 2,5g, Glucid 28,3g, Lipid 1,6g, Tro 0,8g, các chất khoáng vi lượng: Ca 20mg, P 63mg, Fe 0,9mg, K 601mg, Muối Na 1mg; các vitamin: thiamin (B1) 0,027mg, riboflavin (B2) 0,29mg, niacin (B3) 1,2mg, acid ascorbic (C) 37mg, A 10 IU, cung cấp 124 calo. 

    Qua đó ta thấy hàm lượng Protein, Clucid, Lipid, các chất khoáng, giá trị năng lượng của sầu riêng đều cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác. Sầu riêng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như tăng sức đề kháng, cải thiện sức khỏe làn da, củng cố độ chắc khỏe của xương, phòng và làm dịu chứng táo bón, làm dịu chứng đau nửa đầu,..

    Giá trị và hiệu quả kinh tế

    Hiện nay, nhu cầu sử dụng sầu riêng của người dân vẫn rất cao. Tuy nhiên, nguồn cung lại ít đi. Sầu riêng trở nên khan hiếm trong nước, nhường chỗ cho hoa quả Âu – Mỹ mở rộng. Vì thế, giá bán sầu riêng ở nước ta đang tăng cao. Đặc biệt là vào thời điểm trái mùa như hiện tại.

    Theo chia sẻ của bà con tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, nơi GoFarms đang hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, bình quân mỗi ha sầu riêng từ 6 năm trở lên cho thu hoạch khoảng 12-15 tấn trái/vụ, mang lại thu nhập từ 600 - 750 triệu đồng. Với gần 500 gốc sầu riêng dự kiến bà con sẽ thu về không dưới 60 tấn trái thương phẩm, trung bình mỗi cây đạt hơn 100 kg, với giá bán giao động từ 45.000 - 55.000 đồng/kg tùy thời điểm, mang lại nguồn thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm.

    Trong năm 2017, ước tính khoảng 66% tổng sản lượng sầu riêng của Việt nam đã xuất khẩu, với tổng giá trị đạt 319,69 triệu đô la Mỹ, chiếm 9% tỷ trọng xuất khẩu rau quả, đứng hàng thứ ba sau thanh long và nhãn (Tổng cục Hải Quan, 2018). Những năm gần đây nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tăng ở Trung Quốc tăng mạnh làm cho giá sầu tăng cao đã thúc đẩy nông dân Thái Lan, Việt Nam và các nước trong khu vực mở rộng diện tích trồng sầu riêng rất nhanh.

    Tình hình sản xuất

    Sầu riêng được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Thái Lan là quốc gia trồng và xuất khẩu sầu riêng lớn nhất trên thế giới. Năm 2016, Thái Lan có 100.000ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng đạt 518.000 tấn, kế đến là Mã Lai (66.038ha; 302.646 tấn), Indonesia (50.000ha; 735.420 tấn) và Việt Nam với 28.000ha diện tích trồng sầu riêng, đạt sản lượng 288.149 tấn,…

    Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2019), diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam năm 2018 hơn 47.000ha, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015. Ở nước ta, Sầu riêng được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ.

    Do có khác biệt về điều kiện địa hình và độ cao nên sầu riêng ở nước ta hình thành 4 vùng sản xuất chính. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do chủ động được nguồn nước nên có thể xử lý ra hoa và thu hoạch quanh năm. Vùng miền Đông Nam Bộ có độ cao trung bình trên dưới 100m, không chủ động được nguồn nước tưới nên sầu riêng chỉ cho ra hoa theo mùa, thu hoạch vào tháng 7-8. Vùng Đak Lak và Bảo Lộc, Di Linh (Lâm Đồng) đều là vùng đồi núi, không chủ động được nguồn nước nên cũng không sản xuất sầu riêng nghịch vụ. Do vùng Đak Lak có độ cao trung bình 500m thấp hơn vùng Bảo Lộc và Di Linh (độ cao trung bình 800-900m) nên thời vụ thu hoạch ở Đak Lak sớm hơn (tháng 8-9) so với vùng Bảo Lộc (tháng 9-10). 

    Tình hình tiêu thụ 

    Sầu riêng sản xuất ở các nước trên thế giới được bán ở thị trường nội địa hay xuất khẩu. Đối với các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, mặc dù trong nước có trồng nhưng vẫn phải nhập sầu riêng ở các nước khác trong khu vực. Hiện nay, Thái Lan đã xuất khẩu sang các nước vẫn có trồng và xuất khẩu sầu riêng như Việt Nam, Mã Lai, Indonesia,..với sản lượng từ hàng nghìn tấn đến hàng chục nghìn tấn. Các nước trồng sầu trong vùng Đông Nam Á cũng đang mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và các nước khác trên thế giời với nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau như sầu riêng tươi, đông lạnh, sấy khô.

    Mặc dù là quốc gia xuất khẩu sầu riêng, ở một số thời điểm trong năm Việt Nam vẫn phải nhập một lượng lớn sầu riêng từ Thái Lan, chủ yếu cung cấp thị trường Nam Bộ, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Sầu riêng Việt Nam trong những năm gần đây cũng được xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất.

    Một số giống Sầu Riêng

    Các giống sầu riêng thương mại khởi nguồn từ hạt trồng ngẫu nhiên và chọn lọc bởi nông dân cũng như các chương trình chọn giống quản lý bởi các cơ quan nghiên cứu của chính phủ.
    * Giống sầu riêng ở Thái Lan:
    -    Sầu riêng Monthong
    -    Sầu riêng Chanee
    -    Sầu riêng Kanyao
    -    Sầu riêng Kradum Thong
    -    Sầu riêng Phuang Mani  
    * Giống sầu riêng ở Mã Lai
    -    Sầu riêng D24
    -    Sầu riêng Musang King (D197)
    -    Sầu riêng Black thorn (D200)
    * Giống sầu riêng ở Việt Nam
    -    Sầu riêng Khổ qua xanh
    -    Sầu riêng Chín Hóa
    -    Sầu riêng Ri6
    -    Sầu riêng Chuồng bò
    -    Sầu riêng 6 Hữu
    * Và 1 số giống của các quốc gia Đông Nam Á khác.

    Kết luận

    Sầu riêng là cây ăn trái đặc sản của vùng Đông Nam Á, có giá trị kinh tế rất cao, sự phát triển của ngành sản xuất sầu riêng không những góp phần phát triển kinh tế mà còn góp phần phát triển du lịch. Tuy nhiên, cây sầu riêng cũng đòi hỏi kỹ thuật trồng và quản lý nghiêm ngặt mới đạt dược năng suất và chất lượng cao. Nhà vườn cần phải nắm rõ từng khâu thiết kế vườn, bố trí giống, tỉa cành, tạo tán, bón phân, quản lý nước đến quản lý sâu bệnh và xử lý sau thu hoạch để đạt được kết quả tốt nhất. Thấu hiểu tâm tư của bà con, khi khó tiếp cận được với kỹ thuật chăm sóc sầu riêng hợp lý. GoFarms là đơn vị hoạt động nông nghiệp với đội ngũ kỹ sư trẻ được đào tạo từ các trường đại học trong và ngoài nước (Israel, Thái Lan, Úc) luôn muốn hỗ trợ bà con trồng sầu, cung cấp quy trình phân bón, kỹ thuật chăm sóc, giải pháp an toàn, bền vững giúp bà con đạt được năng suất, chất lượng muốn.

    Với phương châm “ Giải pháp xanh -Trái cây sạch - Tâm an lành”

    0
    Zalo
    Hotline