ỚT TƯƠI VIỆT NAM XUẤT KHẨU TRỞ LẠI SANG TRUNG QUỐC SAU 2 NĂM TẠM DỪNG

CÔNG TY TNHH SX TM DV NÔNG NGHIỆP GOFARMS

sale@gofarms.vn

Ngày đăng: 10/03/2022 - 04:02 PM

    Theo thông tin từ cơ quan thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới đây ra thông báo về việc chấp thuận cho 5 doanh nghiệp sản xuất ớt tươi của Việt Nam được đăng ký để tiến hành hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc kể từ ngày 3/3/2022

    Thông báo của cơ quan chức năng Trung Quốc, sản phẩm ớt tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải bảo đảm yêu cầu kiểm dịch thực vật bao gồm cả 2 biện pháp xử lý bằng Methyl Bromide và xử lý lạnh. Cụ thể, xử lý Methyl Bromide với liều lượng 32g/m3 trong 2 giờ hoặc 18g/m3 trong 5 giờ; xử lý lạnh sau khi xử lý Methyl Bromide ở nhiệt độ 0.56-2.77°C trong 4 ngày hoặc nhiệt độ 3.33-8.33°C trong 11 ngày.
    Các lô hàng ớt tươi đều phải được xử lý kiểm dịch bởi các đơn vị chức năng của Việt Nam hoặc cơ sở do đơn vị chức năng của Việt Nam ủy quyền; đồng thời, chú thích rõ các tham số kỹ thuật liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật. Cục BVTV sẽ cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với lô đáp ứng các yêu cầu sau: 
    -Hàng hóa từ các vùng trồng Cục BVTV cấp mã số và và cơ sơ đóng gói đã được được phía Trung Quốc công nhận
    -Xác nhận thông tin quá trình xử lý kiểm dịch thực vật căn cứ trên giấy chứng thư khử trùng do các đơn vị cung cấp dịch vụ đủ điều kiện hành nghề xử lý kiểm dịch thực vật thực hiện
    -Ghi thông báo bổ sung lên Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật với nội dung đã thống nhất với phía Tổng Cục Hải quan Trung Quốc.

    Trước đó, từ năm 2020, cả hai thị trường lớn tiêu thụ ớt Việt Nam là Trung Quốc và Malaysia tạm ngưng nhập khẩu ớt do vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đến tháng 5/2021, sau quá trình đàm phán, hai thị trường này đã đồng ý mở cửa lại đối với mặt hàng ớt, tuy nhiên phải đáp ứng một số điều kiện. Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải thực hiện cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói ớt xuất khẩu chỉ sử dụng các thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam, tuân thủ thời gian cách ly để đảm bảo dư lượng thuốc không vượt quá quy định của thị trường nhập khẩu

    Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, 5 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Thành An Onion; Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Cái Lân; Công ty TNHH Cẩm Long – Đồng Tháp; Công ty TNHH Nông nghiệp Vĩnh Bình; Công ty TNHH Nông sản Tân Đông là những đơn vị đầu tiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch trở lại, sau một thời gian Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu ớt tươi của các doanh nghiệp Việt Nam.

    Nhu cầu của đất nước 1,4 tỷ dân đối với các loại nông sản, thực phẩm là rất lớn, do vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc. Từ đó thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, bảo đảm đầu ra ổn định cho ngành nông nghiệp của Việt Nam.

    Tham tán Nông Đức Lai cũng cho biết, tính đến ngày 4/3/2022, có tổng cộng 1.808 mã sản phẩm nông sản, thực phẩm được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 01/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc đạt 148,9 triệu USD, giảm 3% so với tháng 12/2021 và giảm 18,5% so với tháng 01/2021.

    Trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt các hoạt động kiểm dịch xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là tại các cửa khẩu ở khu vực biên giới để phòng, chống dịch Covid-19, việc nghiên cứu, đáp ứng các quy định mới để được cấp mã xuất khẩu chính ngạch, được coi là hướng đi tất yếu để khai thác tốt thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

    Nguồn: danviet.vn congthuong.vn

     

    0
    Zalo
    Hotline